Xác lập lại vị thế ngành cơ khí Việt Nam

Ngành cơ khí là nền tảng, cốt lõi, là cơ sở, động lực cho các ngành công nghiệp khác phát triển. Đầu tư phát triển ngành cơ khí là đầu tư dài hạn, chiều sâu. Tuy nhiên, việc thực hiện chiến lược phát triển ngành cơ khí trong hơn chục năm qua lại tỏ ra thiếu hiệu quả, khiến các doanh nghiệp (DN) cơ khí như "đứa trẻ nuôi mãi không lớn".


Bài 1: Thiếu "đất dụng võ"

Hiện nay, các DN cơ khí Việt Nam có thể sản xuất được thiết bị đồng bộ cho nhà máy xi-măng lò quay công suất lên đến 700 nghìn tấn/năm, sản xuất được máy biến áp 500 kV, chế tạo thành công giàn khoan dầu khí ở độ sâu 120 m nước,... Năng lực có, nhưng chính sách hỗ trợ chưa phát huy hiệu quả, khiến "đầu ra" của các sản phẩm cơ khí rất bí bách. Nhiều DN cơ khí do "không có đất dụng võ", sau hàng chục năm vẫn chỉ loay hoay gia công, chế tạo, làm nhà thầu phụ,... không dám mạnh dạn đầu tư chiều sâu, lợi nhuận thấp.

DN cơ khí chỉ "ăn đong"

Dẫn chúng tôi vào công trường chế tạo giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05, kỹ sư Bùi Thanh Tài thuộc Công ty cổ phần chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) tự hào cho biết, tính đến thời điểm này, Tam Đảo 05 là giàn khoan tự nâng dầu khí lớn nhất Việt Nam với tổng khối lượng khoảng 18 nghìn tấn sắt thép, có khả năng khai thác ở độ sâu 120 m và khoan tới mỏ dầu khí với độ sâu 9 km. Dự án này có những đặc thù về kết cấu, chẳng hạn: một số thiết bị đơn lẻ nặng đến 90 tấn và khi tổ hợp lại, tổng trọng lượng có thể đến 600 tấn. Để hoàn thành dự án, công ty phải bỏ tiền đầu tư một cẩu trục tự hành có sức nâng 1.100 tấn, gấp gần hai lần cẩu trục tại Nhà máy Thủy điện Sơn La và lớn nhất Việt Nam thời điểm hiện nay. Trên công trường, thường xuyên huy động khoảng 800 kỹ sư, công nhân, khi cao điểm nước rút, có thể đến gần 3.000 người, phấn đấu bàn giao cho chủ đầu tư là Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro trong vòng 30 tháng (6-2016), vượt hai tháng so với kế hoạch.

Tổng Giám đốc PV Shipyard Phan Tử Giang cho biết, trong điều kiện nguồn vốn điều lệ của công ty ít ỏi (khoảng 600 tỷ đồng), để đóng một giàn khoan trị giá khoảng 200 triệu USD trở lên như Tam Đảo 05, đương nhiên phải đi vay. Mặc dù các dự án chế tạo giàn khoan dầu khí hay xây dựng căn cứ cho giàn khoan đều thuộc dự án cơ khí trọng điểm, nhưng sau bảy năm đi vào hoạt động, DN vẫn chưa nhận được bất kỳ ưu đãi nào về mặt tài chính từ phía Nhà nước. Hầu hết các ngân hàng vin vào cớ DN phải chứng minh được cơ chế hỗ trợ lãi suất mới cho vay. Cộng thêm là những thủ tục phiền hà, phức tạp, cho nên các dự án của công ty buộc phải vay nước ngoài với lãi suất cao để triển khai kịp tiến độ, thậm chí dự án đầu tiên của công ty phải vay 800 tỷ đồng với lãi suất "ngất ngưởng" 21%/năm trong năm 2010, cho nên gánh nặng trả nợ rất lớn.

Tuy vậy, PV Shipyard vẫn được coi là một trong số các DN có tương lai sáng nhất ngành cơ khí hiện nay. Theo số liệu của Hiệp hội các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (Vami), cả nước hiện có khoảng 3.100 DN cơ khí, trong tổng số 53 nghìn cơ sở sản xuất cơ khí. Khoảng 50% số cơ sở sản xuất cơ khí chuyên chế tạo lắp ráp, các cơ sở còn lại hầu hết chỉ dừng lại ở mức sửa chữa nhỏ lẻ. Tiềm lực ngành cơ khí không yếu, song "sức khỏe" hiện tại của mỗi DN lại quá èo uột, phát triển còn nhỏ lẻ, phân tán. Chủ tịch Vami Nguyễn Văn Thụ đánh giá, ngành cơ khí nước ta đang phải đối mặt cùng lúc nhiều khó khăn. Vấn đề tiếp cận vốn của các DN cơ khí đang hết sức khó khăn, chưa có hướng tháo gỡ. Mặc dù Quyết định 10/2009/QĐ-TTg ngày 16-1-2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm, từ khi có hiệu lực đến nay đã 5 năm, song mới có vỏn vẹn ba dự án cơ khí trọng điểm được ký kết với tổng số vốn 374 tỷ đồng, trong đó giải ngân thực tế chỉ hơn 60 tỷ đồng. Có nhiều chính sách, chủ trương tốt đẹp nhằm phát triển ngành, nhưng đầu tư vẫn ở mức nhỏ giọt, khoảng 300 triệu USD. Bên cạnh đó, "độ ngấm" của chính sách kém, khâu triển khai các chính sách hỗ trợ ngành cơ khí ách tắc, thiếu đồng bộ, dẫn đến các DN cơ khí không được hưởng lợi.

Thực tế, một thời gian dài, hầu hết dự án trọng điểm quốc gia đều rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài, nhất là nhà thầu Trung Quốc, do vậy các DN cơ khí trong nước không có "đất dụng võ". Các DN cơ khí còn yếu và thiếu tính liên kết mạnh ai nấy làm, trong khi nhiều DN cơ khí đủ năng lực, kể cả tài chính lẫn nguồn nhân lực chất lượng cao lại thất vọng trước những quy định ngặt nghèo, thiếu sự ưu tiên cần thiết trong đấu thầu và giao thầu sản phẩm cơ khí trọng điểm. Đây gần như là chuyện bất khả kháng trong bối cảnh nguồn lực trong nước còn hạn chế, "đấu giá" được coi trọng hơn "đấu thầu", có thể gây ảnh hưởng nặng nề về sau này.

Chính sách đúng, triển khai kém, khiến hiệu quả giảm

Câu chuyện bảy năm không nhận được ưu đãi vốn của PV Shipyard không phải chuyện lạ. Chủ tịch Công ty ô-tô Xuân Kiên (Vinaxuki) Bùi Ngọc Huyên cho rằng, không phải DN ngại khó khăn, mà vấn đề chính ở chỗ việc triển khai chính sách như "đánh lừa" DN. Vinaxuki đã xây dựng dự án chế tạo vỏ xe ô-tô với vốn vay 250 tỷ đồng, được Thủ tướng chấp thuận và chỉ đạo các bộ, ngành triển khai, nhưng sau ba năm vẫn chưa có đồng nào được giải ngân. Ông Huyên đề nghị, chính sách cần có tính hiện thực hóa. Chính sách tốt nhưng nếu quá trình triển khai kéo quá dài, làm mất cơ hội kinh doanh, suy giảm lòng tin của DN. Chủ trương thực hiện các dự án trọng điểm theo hình thức tổng thầu EPC trong nước được xác định là một giải pháp hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy ngành cơ khí phát triển, nhưng trên thực tế, mọi "chính sách dường như ở trên trời". Tổng Giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) Lê Văn Tuấn thổ lộ, khi Lilama được giao làm tổng thầu EPC trong nước, các đơn vị có điều kiện đầu tư trang, thiết bị, xây dựng các nhà máy cơ khí chế tạo nhằm nâng cao tỷ trọng nội địa hóa. Thủ tướng đã phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện trong giai đoạn 2012 - 2025 (Quyết định 1791/QĐ-TTg ngày 29-11-2012) với 11 gói thầu nhỏ được ưu tiên nội địa hóa, đến nay mới có một vài dự án rục rịch triển khai và cũng chưa đủ hết các gói thầu ưu tiên. Nếu tính sơ bộ, toàn bộ gói tổng thầu EPC trị giá khoảng 1,5 tỷ USD, tất cả 11 gói ưu tiên này ít nhất cũng có giá trị từ 400 đến 500 triệu USD. Với nhiều dự án đang và sẽ triển khai, đây là "miếng bánh" rất lớn, có thể bảo đảm việc làm trong nhiều năm cho các DN cơ khí trong nước. Chính sách của Chính phủ ban hành rất trúng, nhưng để triển khai hiệu quả, cần chủ động nguồn vốn. Với một dự án nhiệt điện, các ngân hàng khó thu xếp được ngay khoảng 10 nghìn tỷ đồng cho các gói ưu tiên nội địa hóa thiết bị. Do vậy, việc tìm kiếm nguồn vốn từ bên ngoài là xu hướng tất yếu và rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, tăng cường khả năng liên kết từ phía ngân hàng để DN cơ khí có đủ điều kiện trúng thầu, duy trì sản xuất, kinh doanh và từng bước có chút thặng dư để tái đầu tư.

Trở lại câu chuyện của PV Shipyard, Tổng Giám đốc Phan Tử Giang chia sẻ, hiện nay, DN phải cạnh tranh không chỉ về giá, tiến độ, chất lượng mà còn cả ở khả năng tài chính. Trước đây, chủ đầu tư thường trả tiền theo tiến độ công việc cho nên nhà thầu phần nào đỡ lo ngại về nguồn vốn. Nhưng gần đây, dưới sức ép cạnh tranh khốc liệt, vấn đề tài chính nhiều khi quan trọng hơn. Các dự án, chủ đầu tư thường chỉ tạm ứng khoảng 20%, còn lại nhà thầu phải đối ứng và khi bàn giao công trình mới được thanh toán. Với điều kiện như vậy, nhiều dự án đã "tuột khỏi tầm tay" DN cơ khí trong nước sức yếu, vốn mỏng. Đơn cử, PV Shipyard đã ký được hợp đồng thực hiện một giàn khoan dầu khí cho đối tác Ấn Độ, đối tác đã đồng ý đặt cọc 20% giá trị hợp đồng, nhưng sau gần một năm xoay đủ mọi cách thu xếp nguồn vốn không xong, PV Shipyard đành phải hủy bỏ hợp đồng. Tìm đến ngân hàng, PV Shipyard nhận được câu trả lời "lạnh như bom": "Nếu không bán được, chúng tôi lấy giàn khoan (tài sản thế chấp) làm gì?". Phải chăng, các sản phẩm cơ khí không phải là tài sản bảo đảm các khoản vay?

Thời gian qua, nhiều dự án lớn về nhiệt điện, nhà máy lọc dầu,... đều phải dựa vào vốn vay nước ngoài và do Tổng thầu EPC nước ngoài đảm nhận thi công, do vậy các DN trong nước hầu như không có cơ hội tham gia cung cấp thiết bị, chủ yếu vẫn chỉ làm thầu phụ. Phó Vụ trưởng Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) Phạm Anh Tuấn chia sẻ, các giải pháp đề xuất đều đúng mục tiêu, song sự khả thi còn phụ thuộc vào nỗ lực của DN và những chính sách điều chỉnh kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước. Có lẽ quan trọng nhất hiện nay là chính sách tín dụng. Lãi suất ưu đãi đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam hiện nay là 10,5%/năm, coi như cánh cửa ưu đãi đã khép trước mặt ngành cơ khí. Các chính sách đấu thầu theo Luật Đấu thầu chưa được áp dụng, còn Luật Đấu thầu trước đây thì quá khó cho DN cơ khí.

"Dịch" tổng thầu EPC nước ngoài

Từ năm 2008 đến nay, "dịch" tổng thầu EPC nước ngoài tràn sang đã làm giảm hiệu quả của chương trình nội địa hóa các nhà máy xi-măng, nhiệt điện. Nhiều công việc mà các DN trong nước làm được đều bị mất. Những vấn đề liên quan đến các công trình điện lực đang được chặn, và trong tương lai, hàng loạt dây chuyền xi-măng của Trung Quốc phải cải tạo lại. Đây vừa là bài học, đồng thời cũng là cơ hội để các DN cơ khí tham gia tích cực hơn, từng bước chiếm lĩnh thị trường.

TỐNG VĂN NGA Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam

Nghịch lý đầu tư cho cơ khí

Đầu tư cho cơ khí được xác định là đầu tư dài hạn, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách. Nghịch lý xảy ra khi điều kiện nguồn ngân sách nhà nước hạn chế, vốn cho vay các ngân hàng thương mại rất "rủng rỉnh", nhưng các DN cơ khí lại không thuộc diện được xét duyệt. Cái vòng luẩn quẩn này đã lặp đi lặp lại nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa có lời giải nào khả thi. Vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành công nghiệp cơ khí trong quá trình phát triển đất nước, đều được các cấp, các ngành quản lý từ T.Ư đến địa phương thuộc nằm lòng, song triển khai trên thực tế chẳng khác gì "đạp ga mà chưa vào số", khiến "cỗ xe" cơ khí không nhúc nhích.

NGUYỄN VĂN THỤ Chủ tịch Hiệp hội các DN cơ khí Việt Nam (Vami)

Bài 2: Bắt đầu từ đổi mới tư duy

Phải khẳng định rằng dư địa phát triển ngành cơ khí còn khá lớn. Giá trị sản xuất hằng năm đạt khoảng 16 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 20%/năm, tuy nhiên, khả năng đáp ứng nhu cầu nội địa hóa mới chỉ đạt khoảng 35%. Trong khi chờ đợi các chính sách hỗ trợ mới, phù hợp, các cấp, ngành từ T.Ư đến các địa phương và từng doanh nghiệp (DN) cơ khí cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, nhất là cần thay đổi từ tư duy đến cách làm.

Thoát khỏi "chiếc áo" không chuyên

Trước hết, từng DN cần xác định rõ không thể bám víu mãi vào "bầu sữa" ngân sách, trong điều kiện nguồn lực trong nước quá hạn hẹp. Khẳng định câu chuyện này, Tổng Giám đốc Lilama Lê Văn Tuấn cho biết, đã có một số DN nước ngoài nhiều lần "đặt hàng" DN cơ khí trong nước chế tạo thiết bị xuất khẩu, nhưng các đơn hàng ngày càng ít đi và "mặt trận" này thường bị sao nhãng. Thực tế, khi các DN nước ngoài tìm đến đặt hàng, mặc dù với số lượng nhỏ, nhưng một số lãnh đạo DN chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công việc này, làm ăn theo kiểu "được chăng hay chớ", chất lượng chỉ bảo đảm đơn giao hàng đầu tiên, cho nên nhiều khách hàng đã một đi không trở lại. Có đơn vị vẫn chỉ chuyên tâm vào thị trường cũ, chế tạo thiết bị cho ngành xi-măng, nhà máy thủy điện,... trong khi những thị trường này ngày càng thu hẹp, và trong tương lai khi mở cửa thị trường theo các hiệp định thương mại, DN có nguy cơ rơi vào tình trạng thiếu việc làm trầm trọng. Hơn nữa, xét về góc độ chủ quan, nhiều DN cơ khí Việt Nam còn có thói dựa dẫm, quen sống trong môi trường của cơ chế xin - cho, độ ỳ rất lớn. Do vậy, đã đến lúc các DN cơ khí cần mạnh dạn, chủ động thoát khỏi cách làm ăn thiếu chuyên nghiệp. Khó khăn về nguồn vốn chỉ có thể giải quyết thông qua chương trình tái cơ cấu, đẩy mạnh cổ phần hóa DN, tập trung nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, giá thành. Đồng thời, mở rộng, tìm kiếm thị trường xuất khẩu thiết bị cơ khí theo hướng tham gia vào hệ thống cung ứng thiết bị toàn cầu, nhằm tạo thêm giá trị gia tăng, bổ sung nguồn lực cho phát triển. Hiện nay, một đơn vị trực thuộc Lilama đủ năng lực sản xuất, xuất khẩu thiết bị cơ khí với giá trị khoảng 400 tỷ đồng trong năm 2014, chế tạo thiết bị lò cán thép nguội cho đối tác I-ta-li-a và thiết bị cẩu trục cho đối tác Đức. Điều đó khẳng định, năng lực trong nước hoàn toàn có thể làm được, quan trọng nhất là làm như thế nào!

Với xu hướng hội nhập hiện nay, việc "chen chân" vào chuỗi giá trị toàn cầu đối với các sản phẩm cơ khí rất khó khăn, chưa nói đến khả năng cạnh tranh. Trên thực tế các DN cơ khí trong nước không thể so sánh về tiềm lực, kinh nghiệm đối với DN nước ngoài. Do vậy, tăng cường tính liên kết giữa các DN cơ khí có ý nghĩa cấp thiết, sống còn theo hướng bổ trợ lẫn nhau, tránh đầu tư dàn trải, trùng lặp, nhằm tạo sức mạnh tập thể, mới đủ lực cạnh tranh trên thị trường. Tổng Giám đốc PV Shipyard Phan Tử Giang cho biết, công ty đã yêu cầu một số DN cung cấp thiết bị nước ngoài liên kết DN trong nước để sản xuất một phần hoặc toàn bộ thiết bị tại Việt Nam, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư. Chẳng hạn, những thiết bị chính của máy phát điện phải mua của nước ngoài, nhưng các chi tiết phụ như, chân đế, hệ thống làm mát,... công ty đã chủ động kết nối DN trong và ngoài nước chế tạo, sản xuất, lắp đặt với điều kiện phải bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng và có giá thành cạnh tranh. Với giàn khoan Tam Đảo 03 trước đây, công ty đã nội địa hóa được gần 35% và hy vọng các dự án tiếp theo sẽ nâng lên 40 đến 45% về mặt giá trị. Tuy nhiên, sự liên kết giữa các DN trong nước, nhất là DN vừa và nhỏ còn rất lỏng lẻo, gây khó khăn trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Các đơn vị có thể sản xuất chi tiết và linh kiện, nhưng chưa thể tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Hơn nữa, để đạt tiêu chuẩn lắp đặt thiết bị trên giàn khoan, các DN phải được cấp các chứng chỉ cần thiết, trong khi phần lớn các DN chậm chuyển đổi, thiếu tính chuyên nghiệp, làm lỡ thời cơ, cho dù công ty đã yêu cầu các đơn vị nước ngoài tách nhỏ thiết bị để có thể đưa các linh kiện cơ khí của Việt Nam vào lắp đặt.

Cần chính sách hỗ trợ phù hợp

Mỗi năm, không thể đếm hết các cuộc họp, diễn đàn về phát triển cơ khí được tổ chức, bàn thảo. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ rà soát và sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách cho phù hợp với yêu cầu phát triển ngành cơ khí. Đồng thời, giao Vami phối hợp chặt chẽ các cơ quan quản lý nhà nước trong việc đề xuất cơ chế chính sách phát triển ngành cơ khí, hướng dẫn và điều phối các DN thành viên tăng cường hợp tác, liên kết, chuyên môn hóa trong sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cơ khí Việt Nam. Song kết quả chưa như mong muốn.

Chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc về phát triển ngành cơ khí, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam Ry-u Hang Ha (Ryu Hang Ha) nhấn mạnh, vấn đề cốt lõi là phải duy trì mức độ bảo hộ nhất định cho các sản phẩm cơ khí trong nước bằng các biện pháp như xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu, có thể chỉ định thầu trong lĩnh vực xây dựng và cơ khí. Các dự án trọng điểm cần thống nhất từ trên xuống dưới là phải ưu tiên sử dụng hàng trong nước và các DN trong nước cũng nâng cao ý thức sử dụng sản phẩm của nhau. Các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu, tháo gỡ những vấn đề vướng mắc phát sinh của Luật Đấu thầu theo hướng đấu thầu các trang, thiết bị trong nước sản xuất được rồi mới đến đấu thầu quốc tế. Nhìn sang Nhật Bản, chính sách bảo hộ của quốc gia này còn cao hơn nhiều, chẳng hạn các thiết bị của nhà máy nhiệt điện, của cẩu cảng không cho phép có thiết bị ngoại nhập, cho dù giá trong nước đắt gấp 150 lần so với giá thị trường. Ông Ry-u Hang Ha đề xuất, tại Việt Nam, cần quy định rõ và có tính bắt buộc tỷ lệ phần trăm giá trị gói thầu dành cho các nhà thầu trong nước. Điều này sẽ khiến các nhà thầu nước ngoài phải điều chỉnh, hỗ trợ các nhà thầu trong nước đáp ứng được yêu cầu của dự án. Đồng thời, đề xuất danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm được ưu đãi để tránh những phiền hà về thủ tục với các cơ quan thuế, hải quan. Các sản phẩm mới có tính dài hạn, có khả năng áp dụng vào thực tế cao và có thị trường tiềm năng, phải nghiên cứu áp dụng những cơ chế ưu tiên ở mức cao nhất. Cần mạnh dạn giao cho DN có năng lực trong nước thực hiện các gói thầu EPC và có chính sách ưu đãi về tài chính đối với chủ đầu tư, ưu tiên sử dụng sản phẩm cơ khí trọng điểm,...

Theo Chủ tịch Vami Nguyễn Văn Thụ, để tháo gỡ về chính sách, quan trọng nhất là tư duy nhìn nhận về ngành cơ khí. Thực tế, ngay cả một số cấp lãnh đạo cũng chưa nhận thức đầy đủ, đúng mức tầm quan trọng và những đóng góp âm thầm, bền bỉ và lâu dài của ngành cơ khí đối với sự phát triển mang tầm vóc quốc gia. Do vậy, rất cần một tư duy đổi mới, thống nhất, xuyên suốt trong xây dựng và triển khai cơ chế hỗ trợ ngành cơ khí, tránh kiểu "chính sách một đằng, triển khai một nẻo", thiếu sự giám sát, tháo gỡ tận gốc. Trước mắt, các DN cơ khí cần tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế, từng bước trở thành những nhà thầu phụ uy tín. Từ đó, tích lũy kinh nghiệm, tài chính để tái đầu tư cho nghiên cứu. Về phần mình, Vami đang tập trung đề xuất các giải pháp theo hướng ưu tiên sản phẩm, hạn chế dự án; các chính sách hỗ trợ phát triển, tiêu chuẩn cho các sản phẩm cơ khí nhằm thanh lọc sản phẩm không đạt chuẩn; xây dựng hàng rào kỹ thuật nhằm bảo hộ các sản phẩm cơ khí, nhất là sản phẩm cơ khí trọng điểm có tiềm năng phát triển một cách phù hợp. Đồng thời, tập trung đầu tư cho nghiên cứu vì đây là con đường tất yếu, đem lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với làm gia công.

Một thực tế đáng buồn, nhiều cuộc họp bàn "giải cứu" ngành cơ khí, nếu không có lãnh đạo Chính phủ hoặc bộ, ngành tham dự, thì hầu hết đó chỉ là diễn đàn cho các DN cơ khí và các cơ quan quản lý của Bộ Công thương ít khi xuất hiện đại diện ngân hàng. Vì thế, những đề xuất mãi vẫn chỉ mang tính nội bộ, còn đối tác cần thiết nhất để tháo gỡ khó khăn, có thể giải quyết vấn đề - lại vắng mặt. Theo quy hoạch, tiềm năng của ngành cơ khí còn rất lớn. Đến năm 2025, cần khoảng 300 tỷ USD cho các công trình đầu mối, trong đó, gần 60 nhà máy nhiệt điện, có tổng vốn đầu tư khoảng 120 tỷ USD. Các DN cơ khí trong nước chỉ cần đảm nhận 30% khối lượng công việc, đã có doanh thu gần 40 tỷ USD. Nếu không có ngân hàng chung tay vào cuộc, 40 tỷ USD này lại rơi vào túi người khác. Câu chuyện bên lề thường được các DN cơ khí chia sẻ: Giá như ngành cơ khí cũng nhận được gói hỗ trợ tương tự gói 30 nghìn tỷ đồng dành cho bất động sản, chắc chắn sẽ không khó khăn như thời gian qua, thậm chí một số DN cơ khí còn tự tin có thể cạnh tranh ngang ngửa với nước láng giềng Trung Quốc vốn bao năm nay "đè bẹp" DN cơ khí nội trên sân nhà.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 26-1.

Việc làm cơ khí trong tương lai khá dồi dào

Theo đánh giá và dự báo, nguồn việc về chế tạo giàn khoan, tàu biển sẽ chuyển hướng về khu vực Đông - Nam Á và Việt Nam đang nổi lên là một trong những thị trường tiềm năng. Do vậy rất cần sự liên kết chặt chẽ giữa các DN cơ khí với nhau, liên kết giữa các ngân hàng để có những chính sách giải ngân, cho vay linh hoạt, phù hợp vì các dự án cơ khí thường đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, khó có ngân hàng nào dám đứng ra cho vay toàn bộ.

PHAN TỬ GIANG - Tổng Giám đốc PV Shipyard

Ưu đãi các DN nội trong đấu thầu

Các vật tư, thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định để sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm được áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi 0%. Miễn hoặc giảm tối thiểu 50% thuế nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng để sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm... Đồng thời tăng ưu đãi trong đấu thầu đối với các DN trong nước đủ năng lực. Xây dựng các quy định về bảo hộ sản phẩm cơ khí trong nước.

TRẨN VẮN QUANG - Tổng Giám đốc Công ty Thiết bị điện Đông Anh

Nguồn: LÊ XUÂN THỦY - http://www.baomoi.com/


Từ khóa liên quan: Máy thổi khí, bảo dưỡng máy thổi khí, sửa chữa máy thổi khí, quạt Roots blower, sửa chữa quạt roots, bảo dưỡng quạt roots, gia công cơ khí chính xác, phun phủ kim loại

CÔNG TY CỔ PHẦN CƠ KHÍ GMEK

Trụ sở: Số Nhà 10 ngách 19/8 Ngõ 19 Đường Chùa Võ P. Dương Nội, Q. Hà Đông, Tp. Hà Nội

Xưởng sản xuất: Nhà 23 ngõ 230 đường Ỷ La, P. Dương Nội, Q. Hà Đông, Tp. Hà Nội

Hotline: 0916.297.765 - Email: Cokhigmek@gmail.com

Có thể bạn quan tâm